Góp ý

4,5 km đường dẫn cầu Vàm Cống bị hư hỏng

Sau hơn 2 tháng thông xe, đường dẫn lên công trình gần 5.700 tỷ đồng nối Đồng Tháp và Cần Thơ xuất hiện nhiều điểm lún, nứt.

Việc xử lý các điểm hư hỏng trên đường dẫn cầu Vàm Cống. Ảnh: Cửu Long.

Đơn vị thi công rào chắn làn đường để khắc phục các điểm hư hỏng trên đường dẫn cầu Vàm Cống. Ảnh: Cửu Long.

Hơn tháng qua, nhiều điểm hư hỏng đường dẫn cầu Vàm Cống phía TP Cần Thơ đã được đơn vị thi công huy động nhân lực, phương tiện dặm vá. Đơn vị thi công vẫn đang đặt biển cảnh báo, phong tỏa làn đường bị lún, nứt để sửa chữa.

Theo chủ đầu tư cầu Vàm Cống (Công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long), tuyến đường hư hỏng do Công ty Hanshin Engineering và Construction của Hàn Quốc làm thầu chính. Thầu phụ là Công ty TNHH Sản xuất và xây dựng Thi Sơn. Sau khi cầu thông xe hôm 19/5 đến nay, mặt đường đã xuất hiện rạn nứt kéo dài 4,5 km, với diện tích khoảng 1.000 m2.

"Nguyên nhân là chất lượng không đảm bảo chứ không phải do nền đất yếu. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính chất cục bộ", ông Trần Văn Thi - Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, nói. 

Theo ông Thi, công trình còn trong thời hạn bảo hành. Việc khắc phục tình trạng hư hỏng đường dẫn cầu đang được nhà thầu tập trung thực hiện. Những nơi chất lượng không đảm bảo được đào lên làm lại. Tuy nhiên, nhiều ngày qua tiến độ có bị ảnh hưởng do mưa nhiều.

Một điểm hư hỏng trên đường dẫn cầu Vàm Cống đang được xử lý. Ảnh: Cửu Long

Một điểm hư hỏng trên đường dẫn cầu Vàm Cống đang được xử lý. Ảnh: Cửu Long.

Kiểm tra thực tế ngày 28/7, thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật yêu cầu việc sửa chữa dứt khoát không thể thực hiện theo kiểu chắp vá và phải xử lý triệt để trước ngày 15/8.

Cầu Vàm Cống dài 2,97 km, bắc qua sông Hậu, được thiết kế dây văng, nhịp chính dài 450 m, tĩnh không thông thuyền 37,5 m, hai trụ tháp cao 143,9 m. Mặt cắt ngang cầu rộng 24,5 m bao gồm 4 làn ôtô và hai làn xe máy tách biệt. Đường dẫn vào cầu (nằm ở huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) dài gần 6 km, rộng 20,6 m, gồm 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h.

Công trình có vốn đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là cầu dây văng thứ hai bắc qua sông Hậu, sau cầu Cần Thơ được khánh thành năm 2010.

Công trình được thông xe trễ hơn một năm so với dự kiến vì phải khắc phục sự cố nứt dầm thép ngang đỉnh trụ P29.

Nguồn: Báo Vnexpress


Thiết kế web giá rẻ