Góp ý

7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng Mekong đang hình thành 7 dự án cao tốc trục dọc và trục ngang với tổng chiều dài gần 1.000 km, kinh phí dự kiến trên 150.000 tỷ đồng.

Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, khu vực hiện chỉ có 40 km cao tốc TP HCM - Trung Lương (qua Tiền Giang, Long An). Để đáp ứng nhu cầu phát triển, 7 dự án cao tốc tại đồng bằng được quy hoạch, đầu tư, xây dựng.

Trung Lương - Mỹ Thuận là tuyến cao tốc nằm trong trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến đầu tháng 10, khối lượng thi công đạt gần 65%. Theo chủ đầu tư, cuối năm nay dự án sẽ thông tuyến và cho ôtô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn chạy trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Nút giao Thân Cửu Nghĩa kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Cửu Long.

Nút giao Thân Cửu Nghĩa kết nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương, hồi tháng 9/2020. Ảnh: Cửu Long.

Cao tốc được khởi công năm 2009, dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của Tiền Giang, điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa và điểm cuối ở nút giao An Thái Trung. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, giúp kết nối Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án có tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, do nhà đầu tư thiếu năng lực nên công trình bị đình trệ. Sau nhiều lần thay đổi chủ đầu tư và thay đổi cơ quan quản lý dự án từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND Tiền Giang, vốn dự án được điều chỉnh còn hơn 12.000 tỷ đồng.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, sẽ được khởi công tháng 11 tới. Tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp đang hoàn tất việc đền bù, giải tỏa hơn 1.500 hộ dân để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật cho biết, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ sớm hoàn thành để kết nối với các dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào năm 2023. Khi đó, đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TP HCM đến Cần Thơ.

Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021-2025.

Đây là một trong hai cao tốc trục dọc ở Đồng bằng sông Cửu Long, sẽ đấu nối hai trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết các tỉnh thành trong vùng. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành...

Tại cuộc họp với Bộ Giao thông Vận tải cùng lãnh đạo Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cuối tháng 9, đơn vị tư vấn trình bày ba phương án xây cao tốc Cần Thơ – Cà Mau lần lượt dài 141, 138, 125 km, mặt đường 17 m, bốn làn xe, vận tốc 100 km/h; vốn đầu tư 46.200, 61.000 và 57.000 tỷ đồng.

Số liệu dự báo nhu cầu vận tải đường bộ giai đoạn 2025-2030 trên hành lang Cần Thơ – Cà Mau khoảng 30.000-41.000 lượt ôtô mỗi ngày đêm. Nhưng với năng lực các quốc lộ hiện có chỉ có thể đáp ứng tối đa khoảng 27.800-30.600 xe. Do đó, việc xây dựng cao tốc này là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trên hành lang vận tải Cần Thơ – Cà Mau.

Ông Lê Văn B - Phó chủ tịch UBND Cà Mau nói, theo quy hoạch, đoạn cao tốc qua địa bàn tỉnh chỉ có 4 km nhưng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì thế, tỉnh chủ động đề xuất Chính phủ cho làm trước đoạn Cà Mau - Bạc Liêu dài 46 km, vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng theo hình thức hợp tác công tư (PPP) và đã tìm được nhà đầu tư.

Tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dài hơn 51 km, rộng 17 m, bốn làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Công trình dự kiến thông xe tạm vào trung tuần tháng 10 này.

Theo quy hoạch, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi sẽ kết nối với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong (gồm cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và đường nối hai cầu, dài 28 km, vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng) trở thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cao tốc này kết nối với tuyến N2, thông suốt từ Bình Phước, Bình Dương và TP HCM về đến Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và mũi Cà Mau mà không phải qua quốc lộ 1A, giữ vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Nút giao giữa khu vực cầu Bốn Tổng và cầu Láng Sen, trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã thành hình thành, chuẩn bị thông tuyến trong tháng 10. Ảnh: Cửu Long.

Nút giao giữa khu vực cầu Bốn Tổng và cầu Láng Sen, trên cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đã thành hình thành, chuẩn bị thông tuyến trong tháng 10. Ảnh: Cửu Long.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ.

Tuyến Mỹ An - Cao Lãnh sẽ kết nối đường từ Cao Lãnh đến Rạch Sỏi qua tỉnh Đồng Tháp, TP Cần Thơ và Kiên Giang tạo thành trục cao tốc Bắc - Nam phía Tây dài hơn 130 km.

Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 155 km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 30.000 tỷ đồng. Đây là một trong hai cao tốc trục ngang ở miền Tây.

Tuyến đường đi qua bốn tỉnh, thành; trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP Cần Thơ hơn 46 km, Hậu Giang hơn 23 km và Sóc Trăng 25,5 km. Trên cao tốc có 130 cầu, 50 vị trí giao cắt. Giai đoạn 1, mặt đường rộng 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn 2 hoàn chỉnh theo quy hoạch, mặt đường rộng hơn 24 m, vận tốc thiết kế 100-120 km/h. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau ba năm.

Cao tốc sẽ kết nối với các trục dọc như quốc lộ 1A, tuyến N1... Việc đầu tư đường này được xác định hết sức cần thiết, nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.

Quốc lộ 91 đang quá tải, thường xuyên bị ùn tắc, nhất là vào mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ. Vì vậy, ông Lê Văn Nưng - Phó chủ tịch UBND An Giang vừa kiến nghị Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư trước đoạn cao tốc Châu Đốc - Long Xuyên khoảng 60 km, trong dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng.

7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Thanh Huyền.

7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Thanh Huyền.

Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km, quy mô giai đoạn 1 rộng 17 m, gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Điểm đầu từ TP Hà Tiên đến TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua huyện Long Mỹ (Hậu Giang), Thạnh Trị (Sóc Trăng) và điểm cuối tại TP Bạc Liêu. Công trình tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, dự kiến, sau khi hoàn tất các thủ tục, công trình được khởi công năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2026.

Theo ông Thi, đây là dự án liên kết vùng thuộc lĩnh vực nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối cửa khẩu quốc tế Xà Xía (TP Hà Tiên, Kiên Giang) với quốc lộ 1A, tuyến đường N1.

Đồng thời, cao tốc này sẽ kết nối với hai cao tốc trục dọc Bắc - Nam phía Đông là TP HCM - Trung Lương - Cần Thơ và cao tốc Bắc - Nam phía Tây là Bình Phước - TP HCM - Long An - Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang.

Ngoài 7 dự án trên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh vào quy hoạch mạng lưới đường bộ cao tốc để làm cơ sở triển khai.

Cửu Long (VNExpress)


Thiết kế web giá rẻ