Góp ý

Hàng hải mở cửa “đón sóng” 4.0

5 năm trở lại đây, hàng hải được đánh giá là một trong những ngành có sự đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính.

Keyword đầu tiên có dấu
Tàu lớn làm hàng tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Tạ Tôn

Thời gian qua, hàng hải Việt Nam mang một hình ảnh mới khi tích cực tham gia các tổ chức, công ước quốc tế, nâng cao vị thế quốc tế và “đón sóng” cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại lợi ích bền vững cho doanh nghiệp (DN).

Hội nhập sâu rộng, tăng vị thế trên trường quốc tế

Ông Phan Nguyễn Hải Hà, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế (Cục Hàng hải VN) cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đạt mục tiêu của Chiến lược biển và các nhiệm vụ đặt ra đối với ngành hàng hải, những năm qua, Cục Hàng hải VN đã chủ động xúc tiến triển khai công tác hợp tác quốc tế và hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế.

“Hiện tại, Việt Nam đã là thành viên chính thức của 7 tổ chức và diễn đàn quốc tế về hàng hải, bao gồm: Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); Hiệp hội các cơ quan quản lý hỗ trợ hàng hải và hải đăng quốc tế (IALA); Diễn đàn các nhà lãnh đạo cơ quan hàng hải châu Á - Thái Bình Dương (APHoMSA); Tổ chức Vệ tinh hàng hải quốc tế (Imso/Inmarsat); Thỏa thuận về kiểm tra Nhà nước cảng biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương (Tokyo Mou), Chương trình COSPAS-SARSAT quốc tế và Mạng lưới dịch vụ cảng biển APEC (APSN).

Hiện Việt Nam cũng đã gia nhập 19 công ước và Nghị định thư về hàng hải của IMO, 1 công ước của Liên hợp quốc và 1 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. Việt Nam cũng đã ký hiệp định vận tải biển/hiệp định hàng hải song phương cấp chính phủ với 28 quốc gia và vùng lãnh thổ; Ký thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận chuyên môn với 32 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài cũng được Cục Hàng hải VN tích cực triển khai đàm phán, cung cấp nguồn vốn phát triển hạ tầng hàng hải Việt Nam như: Dự án ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Chính phủ Nhật Bản thông qua nguồn vốn ODA hỗ trợ Việt Nam phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển và các dự án đầu tư xây dựng cảng Cái Lân, cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng”, ông Hà thông tin.

Ông Bùi Thiên Thu, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho rằng, việc trở thành thành viên chính thức và tham gia các công ước, hoạt động trong các tổ chức quốc tế và khu vực về hàng hải giúp Việt Nam thể hiện vị thế trong cộng đồng hàng hải quốc tế và khu vực, có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trên các lĩnh vực của ngành; Giải quyết các vấn đề chung như: Ô nhiễm môi trường, tìm kiếm cứu nạn, quyền tự do đi lại của tàu biển trong khu vực, đảm bảo công tác an toàn, an ninh hàng hải nói riêng và an ninh quốc phòng nói chung.

Cũng theo ông Thu, việc ký kết các thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn cho thuyền viên với các quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu treo cờ của các quốc gia và vùng lãnh thổ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động cung ứng thuyền viên ra nước ngoài làm việc, đem lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

“Cùng đó, việc thực hiện công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài đã giúp ngành hàng hải thực hiện xã hội hóa, giảm gánh nặng đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển, công nghiệp tàu thủy và nâng cấp trang thiết bị, cơ sở đào tạo”, ông Thu nói.

Đột phá cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp hưởng lợi 

“Cục Hàng hải sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ GTVT) và Tổng cục Hải quan nâng cấp Cổng thông tin một cửa Quốc gia để thực hiện 11 TTHC đối với tàu thuyền vào - rời cảng biển tại toàn bộ 25 cảng vụ, triển khai thu phí cảng vụ điện tử, đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành hàng hải (Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN)
 
Bên cạnh hội nhập, mở rộng quan hệ với các tổ chức, diễn đàn hàng hải và các quốc gia trên thế giới, 5 năm trở lại đây, hàng hải được đánh giá là một trong những ngành có sự đột phá mạnh mẽ trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC).

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, sau khi Bộ luật Hàng hải năm 2015 được Quốc hội thông qua, đơn vị đã thực hiện quyết liệt công tác cải cách TTHC, rà soát lại quy định các thủ tục cấp phép cho tàu thuyền vào, rời cảng biển theo hướng đơn giản hóa, hạn chế phát sinh thủ tục không cần thiết.

“Hiện tổng số thủ tục trong lĩnh vực hàng hải được công bố là 101 TTHC, trong đó có 21 thủ tục được đề xuất cắt giảm, đạt 21,7%”, ông Sang nói.

Về dịch vụ công trực tuyến, theo ông Sang, Cục Hàng hải VN là cơ quan đi đầu trong việc tham gia thực hiện Cơ chế một cửa Quốc gia ngay từ giai đoạn 1 (năm 2014). Hiện, Cục Hàng hải đã xây dựng lộ trình, triển khai: 58 TTHC mức độ 2; 39 thủ tục cung cấp trực tuyến mức độ 3; 9 thủ tục về quản lý thuyền viên cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Đặc biệt, việc thực hiện cung cấp 11 TTHC lĩnh vực hàng hải tham gia Cơ chế một cửa Quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải nâng cao công khai, minh bạch, chất lượng giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước mà còn giúp DN vận tải rút ngắn được tương đối chi phí, thời gian trong mỗi chuyến hành trình.

Theo thống kê, tổng số hồ sơ điện tử được 25 cảng vụ hàng hải tiếp nhận, phê duyệt từ ngày 1/1/2019 - 15/6/2019 là hơn 41.100 hồ sơ, đạt tỷ lệ 92%”, ông Sang thông tin.

Nguồn: Báo Giao thông

 


Thiết kế web giá rẻ