Những thủ đoạn làm giả tinh vi
Để làm rõ hơn sự thật về những chiếc GPLX giả đang rao bán công khai, PV Báo Giao thông tìm đến Tổng cục Đường bộ VN - đơn vị quản lý hệ thống GPLX trên toàn quốc. Cầm hai chiếc bằng mà PV vừa đặt mua trên tay, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái nhận định, đây đều là bằng giả.
Lý giải cho nhận định này, ông Thống cho biết, màng phủ bằng không đúng, phông chữ không chính xác, dạng chữ của mã số sau GPLX giả mờ, trong khi của bằng thật rất sắc nét. Cùng đó, bằng giả nhẹ hơn bằng thật vì vật liệu làm bằng thật là nhựa PET trong khi bằng giả chỉ là nhựa PVC. Tiến hành tra bằng có số 010193014045 do Sở GTVT Hà Nội cấp mà PV đã được các đối tượng làm cho trước đó trên hệ thống dữ liệu quản lý GPLX của Tổng cục Đường bộ VN, ông Thống cho biết số bằng này không có trong hệ thống dữ liệu.
Tiếp tục kiểm tra chiếc bằng thứ hai qua kính giải mã, ông Thống cho biết, khi áp tấm kính giải mã lên mặt chiếc bằng và nhìn nghiêng, nếu là bằng thật sẽ hiển thị một số thông tin được in chìm như số bằng lái, ngày, tháng, năm sinh, thời hạn sử dụng bằng, bằng giả thì không hiển thị các thông số này. Tiếp tục đưa những chiếc bằng giả vào máy soi tia cực tím, ông Thống cho biết, bằng giả sẽ chuyển sang màu trắng và đặc biệt sẽ không có Quốc huy ở giữa, trong khi bằng thật vẫn giữ nguyên màu và ở giữa bằng hiện Quốc huy.
Ông Thống nhận định, các đối tượng làm bằng giả lấy thẻ nhựa PVC màu trắng, mua máy in và thiết kế trên photoshop. Các thông tin được trình bày bằng file word, sau đó mới in lên bằng. Về thông tin dãy số 310112006343 trên chiếc bằng rởm thứ 2, ông Thống cho biết, số này đã được cấp cho một người khác có tên Phạm Văn Cầu, ở Hải Phòng. Theo ông Thống, lý do các đối tượng có thông tin này có thể do chủ thẻ đánh rơi.
Trả lời về việc có tổng hợp số lượng GPLX giả được phát hiện hàng năm, ông Thống lý giải, việc này khó vì thường người mua bằng bị các đối tượng lừa bán với nhiều thủ đoạn khiến họ tưởng là mình đang dùng bằng thật, chỉ đến khi có nhu cầu cấp đổi GPLX, lúc này Sở GTVT mới tra cứu số GPLX trên dữ liệu, tìm kiếm không có thông tin, thông tin sai, mới phát hiện là mình dùng bằng giả và bị Sở GTVT thu giữ.
“Còn việc người ta mua để sử dụng như thế nào, Sở GTVT không thể nắm rõ, chỉ có lực lượng chức năng trên đường tuần tra, kiểm soát mới phát hiện được giả hay không”, ông Thống nói.
Cũng liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT một thành phố cho biết, người mua thường tin đây là bằng thật, hồ sơ thật, nhưng thực tế không phải. Dẫn chứng cụ thể, vị lãnh đạo này cho biết, có trường hợp được môi giới mua GPLX với chi phí 15 triệu đồng, vẫn đăng ký thi như bình thường, vẫn được hẹn ngày sát hạch. Tuy nhiên, khi gần đến ngày thi, các đối tượng môi giới tiếp tục liên hệ thương thảo, cho biết có thể thương lượng được với hội đồng sát hạch, không cần đến thi mà chỉ cần đưa thêm 3-5 triệu nữa là sẽ có GPLX.
Thậm chí, vị lãnh đạo này còn cho biết, các đối tượng còn tinh vi hơn khi làm cả một phần mềm giống như phần mềm dữ liệu tra cứu thông tin GPLX của Tổng cục Đường bộ VN để lừa người mua. Để tạo niềm tin, đối tượng bán cho người mua tra cứu được tên, số GPLX của mình nhưng chỉ sau khoảng 1 tháng, chủ GPLX vào lại phần mềm đó tra không được, tra phần mềm của Tổng cục Đường bộ VN cũng không có, mới ngã ngửa vì bằng của mình không có thông tin trên hệ thống. Lúc đó mới tá hỏa biết của mình là bằng giả.
Khó nhận biết bằng mắt thường
Trao đổi với PV, lãnh đạo một đội CSGT trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, công tác kiểm tra, kiểm soát GPLX và các loại giấy tờ liên quan đến người điều khiển phương tiện, tham gia giao thông là việc tất cả các chiến sĩ chốt trực trên đường đều phải thực hiện. Tuy vậy, hiện tại, công nghệ làm GPLX giả của các đối tượng rất tinh vi, khó có thể phát hiện bằng mắt thường. Vì vậy, lực lượng làm nhiệm vụ trên đường chỉ xác thực được chiếc GPLX bất kỳ nào đó có dấu hiệu giả mạo hay không khi thực hiện tra cứu trên hệ thống cơ sở dữ liệu GPLX của Sở GTVT. Nếu thông tin không trùng khớp với người vi phạm hoặc không hiện tên, tuổi của ai thì giấy phép đó được quy vào dạng nghi vấn GPLX giả.
Liên quan đến thắc mắc của PV về việc các đối tượng làm GPLX giả gửi hồ sơ sang Campuchia làm, sau đó đưa về chuyển đổi GPLX tại Việt Nam, lãnh đạo Phòng Phương tiện - Người lái của một Sở GTVT thành phố cho biết, trường hợp này khó có thể đổi được GPLX thật, vì quy trình chuyển đổi rất chặt chẽ. GPLX nước ngoài để đổi sang được GPLX Việt Nam phải thực hiện theo Nghị định 101 của Chính phủ về xác thực GPLX hoặc theo văn bản của Tổng cục Đường bộ VN là phải xác minh GPLX tại đại sứ quán, lãnh sự quán và đại sứ quán, lãnh sự quán trả lời là GPLX này được cơ quan chức năng của họ cấp ra, lúc đó mình mới cấp.
“Những khẳng định phôi thật 100% như quảng cáo của các đối tượng bán GPLX giả cũng đều không có căn cứ, bởi phôi bằng thật là phôi bảo mật, duy nhất có một đơn vị của Bộ Công an cung cấp cho ngành GTVT in GPLX, kể cả phôi và màng phủ. Mỗi GPLX là một phôi. Số phôi Tổng cục Đường bộ VN quản lý thống nhất trong toàn quốc. Ví dụ từ số 1 - 5 cấp cho Sở GTVT Hà Nội, từ số 6-7 cấp cho TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, việc rò rỉ phôi gần như không thể”, vị này nói.
Trường hợp GPLX bị nghi vấn, CSGT sẽ tiến hành lập biên bản thu giữ giấy tờ thuộc diện tình nghi đó để xác minh. Nếu cơ quan chức năng xác định là giả, về hành chính, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người vi phạm lỗi đối với trường hợp sử dụng GPLX hoặc đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp. Đồng thời, chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu về tội phạm để xác minh, làm rõ.
Cầm chiếc GPLX PV đặt mua trên tay, một cán bộ Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hà Nội) cũng nhận định, có thể đây là chiếc bằng giả với nhiều điểm khác biệt so với bằng thật: Chữ ký người cấp là chữ ký scan, không phải chữ ký tươi; Màu sắc nhìn nhợt nhạt, không chuẩn, cùng một màu đỏ nhưng chỗ nhạt, chỗ đậm (trên bằng thật các ký tự cùng màu thường có tông màu, độ sắc nét giống hệt nhau). Song, cán bộ này cũng khẳng định chiếc GPLX giả được đặt giống thật đến hơn 90%.
Vị cán bộ này cũng cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, Đội CSGT số 6 đã phát hiện khoảng 3-4 trường hợp sử dụng GPLX giả, nhưng chủ yếu là người đi xe máy. Vụ việc mới nhất cách đây khoảng 3, 4 ngày, đội phát hiện một sinh viên sử dụng GPLX hạng A1 giả. “Ban đầu, chúng tôi yêu cầu xuất trình giấy tờ kiểm tra, người này kiên quyết không đưa GPLX ra. Sau một hồi trao đổi, sinh viên này thú nhận GPLX của mình là “đồ” đi mua với giá 1,2 triệu đồng, không cần học và thi nên không dám xuất trình. Trường hợp này, chúng tôi đã lập tức thu hồi bằng lái vĩnh viễn và tạm giữ xe trong 7 ngày”, cán bộ CSGT nói.
Tuy nhiên, theo đại diện Đội CSGT số 6, những trường hợp CSGT phát hiện được bằng giả ngay không nhiều, bởi công nghệ làm GPLX giả ngày càng tình vi. Có những GPLX được sản xuất theo cách in hai mặt rồi dán lên miếng nhựa, dễ nhận biết. Nhưng có những chiếc bằng in từ phôi với lớp phủ mặt cao cấp, nếu không để ý kỹ, rất khó phát hiện thật giả. Hiện, việc nhận biết GPLX giả hay thật của CSGT chủ yếu dựa vào kinh nghiệm bản thân. Đối với những trường hợp bị nghi sử dụng GPLX giả, CSGT chỉ lập biên bản tạm giữ GPLX rồi trưng cầu các cơ quan chuyên trách xác định rõ.
“Tuy vậy, những người tham gia giao thông dùng GPLX giả khi bị giữ bằng thường bỏ luôn”, CSGT thông tin và cho rằng, thời gian tới, trên cơ sở dữ liệu kết nối giữa ngành công an và ngành GTVT, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, xây dựng ứng dụng công nghệ giúp lực lượng chốt trực, TTKS trên đường có thể xác định được sự thật, giả của GPLX ngay tại hiện trường để công tác xử lý kịp thời hơn, tạo được tính răn đe trong xã hội.
Nguồn: Báo giao thông