Trong đó, việc huy động vốn từ tiền nhàn rỗi trong dân cần được tính đến.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu dự án giao thông hiện mới chỉ ở một số nước thực hiện được. Còn tại Việt Nam, do các dự án thường là những dự án lớn, cần số tiền rất lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên có thể sẽ khó hơn.
Với các kênh huy động nguồn vốn xã hội khác, ông Hiếu loại trừ kênh từ vàng: “Rất khó có thể huy động vàng cho các chương trình đầu tư của Chính phủ. Bởi muốn thực hiện được thì phải có đơn vị trung gian chuyển thành tiền cho Chính phủ. Ở đây, Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra phát hành chứng chỉ vàng để người dân gửi vàng vào Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng dùng vàng này vay vốn lãi suất thấp kể cả trong và ngoài nước, rồi sử dụng nguồn vốn giá rẻ đó để cân đối ngân sách quốc gia và tài trợ cho các dự án”.
Còn với nguồn vốn là USD trong dân, ông Hiếu cho rằng bản chất nó là một loại tiền lỏng, có thể “chạy từ chỗ này sang chỗ khác”. “Tôi chỉ muốn lưu ý ở đây là tiền trong dân còn nhiều và đang gửi ngân hàng. Chúng ta có thể sử dụng số tiền nhàn rỗi này để phát triển hạ tầng. Nhưng phải có các đơn vị trung gian như quỹ hỗ tương (mutual fund, rất phổ biến ở các nước phát triển) đứng ra huy động tiền của dân để đầu tư vào trái phiếu hay các lĩnh vực khác. Ở Việt Nam, cần đẩy mạnh phát triển loại quỹ này chứ một người dân không thể đủ tiền để tiếp cận lượng lớn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu dự án hay trái phiếu doanh nghiệp”, ông Hiếu phân tích.
Ngoài ra, có một công cụ cần để huy động vốn cho hạ tầng giao thông và hạ tầng các địa phương nói chung là phát triển hệ thống/công ty chấm điểm tín nhiệm có uy tín. Những công ty này có thể chấm điểm tài chính các địa phương, thậm chí chấm điểm quốc gia. Dựa trên tín nhiệm tài chính này, địa phương sẽ chủ động phát hành trái phiếu địa phương mình, dùng vốn đó để phát triển dự án hay các công trình. Hiện có nhiều quốc gia đã làm được, họ có trái phiếu thành phố, trái phiếu tiểu bang.
“Những thành phố, tiểu bang này trên cơ sở đã được công ty xếp hạng tín nhiệm chấm điểm đã phát hành trái phiếu cho người dân và nhà đầu tư với lãi suất phù hợp”, ông Hiếu dẫn chứng và cho rằng, Việt Nam đang thiếu cơ chế tín nhiệm này. Vấn đề hiện nay là công khai, minh bạch thì công ty tín nhiệm mới đánh giá được. Nhưng đến một lúc nào đó chúng ta cũng phải tiến đến giai đoạn như vậy.
Đề cập việc huy động vốn ở góc độ khác, ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng, doanh nghiệp có thể liên minh tài chính với doanh nghiệp, tổ chức tài chính nào đó của nước ngoài để vay tiền, bằng cách đàm phán vay trực tiếp, hoặc phát hành trái phiếu để người nước ngoài mua.
“Trung Quốc có trái phiếu “Gấu Trúc” - của một quỹ đầu tư lớn được nhiều nước đang vay như Canada, Ba Lan, Indonesia... Theo đó, doanh nghiệp đã được cơ quan kiểm toán xếp hạng tín nhiệm mức AAA hoặc BBB là có thể được họ cho vay với lãi suất tương đối thấp, chỉ khoảng 3,5%/năm. Và họ thường ưu tiên cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án của chính phủ. Thêm vào đó, lãi suất của Việt Nam cao hơn nhiều, hấp dẫn hơn nhiều so với lãi suất ở nước họ nên người ta sẵn sàng cho vay”, ông Nghĩa nói.
Ngoài ra, ông Nghĩa cho biết có một nguồn khác nữa là từ các quỹ đầu tư nhỏ lẻ của nước ngoài. Như ở Nhật Bản, lãi suất hiện ở mức “âm”, tức là người dân có tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng còn phải đóng phí. Do đó, từ bà nội trợ đến các nhà kinh doanh ở Nhật Bản đều có nhu cầu đầu tư ra bên ngoài. “Thường họ sẽ thành lập một quỹ ở một “thiên đường thuế” nào đó. Sau đó họ đứng ra huy động vốn và đầu tư vào Việt Nam, nếu như họ quan tâm đến lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng và bất động sản”, ông Nghĩa phân tích.
Nguồn: Báo giao thông