(PLVN) - Nhằm góp phần nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT), ngày 18/11, Ban ATGT TP Cần Thơ tổ chức tuyên truyền lưu động sâu rộng cho từng nhóm đối tượng tại các điểm trường, khu vực chợ và bến xe buýt trên địa bàn quận Ô Môn.
Cách thức tuyên truyền dễ hiểu, đúng đối tượng
Công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT bước đầu tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông. Bám sát chủ đề của năm ATGT 2019 “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, công tác tuyên truyền tập trung chủ yếu vào ý thức của người tham gia giao thông được đẩy mạnh vào từng nhóm đối tượng, tình hình thực tế tại địa phương, tổ công tác đổi mới phương pháp tuyên truyền linh hoạt, phù hợp.
Thông qua việc tổ chức tuyên truyền lưu động nhằm phổ biến Luật giao thông hiệu quả, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng, kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các hành vi vi phạm bằng nhiều hình thức phổ biến, tuyên truyền với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với từng đối tượng tham gia giao thông, đặc biệt tại vùng nông thôn, điạ bàn tập trung đông như các điểm chợ, trường học, cộng đồng đông dân cư.
|
Tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT tại Chợ Ô Môn được đông đảo người dân ủng hộ với nội dung tuyên truyền dể đọc, dễ hiểu. |
Là người hàng ngày lưu thông trên khắp các nẻo đường, anh Dương Chí Dũng (tài xế của hãng Taxi Mai Linh, tại bến xe quận Ô Môn) bày tỏ, thông qua việc tuyên truyền lưu động giúp bản thân và đông đảo người dân nâng cao ý thức để lái xe an toàn, trách nhiệm với cộng đồng, trước hết là bảo vệ tính mạng của bản thân. “Tai nạn giao thông (TNGT) gây hậu quả quá lớn, được ngành chức năng xuống tận nơi này để tuyên truyền về trật tự ATGT bản thân tôi rất hoan nghênh, ủng hộ, để từ đó nâng cao thêm ý thức để có trách nhiệm hơn nữa với tay lái của mình”, anh Dũng phấn khởi nói.
Theo Trung tá Lê Văn Thạch, Đội trưởng Đội CSGT Công an quận Ô Môn – TP Cần Thơ cho biết, ngay từ đầu năm, địa phương đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng, trong đó, tập trung trọng điểm ở các cụm dân cư, điểm chợ, nơi tập trung đông người để người dân nắm và hiểu rõ quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chủ động đổi mới hình thức lẫn nội dung kết hợp tuyên truyền lưu động dễ hiểu, gần gũi với người dân.
Tuyên truyền đến tận cơ sở
Thực tế cho thấy, thời gian qua các ngành chức năng TP đã nỗ lực để triển khai thực hiện hàng lọt nhiều biện pháp nhằm kéo giảm TNGT. Trong đó, tuyên truyền được xem là giải pháp trọng tâm, để người dân hiểu rõ hơn về nguyên nhân, hậu quả nặng nề do TNGT. Bởi đây đã và đang trở thành vấn nạn nhức nhói của toàn xã hội và là niềm trăn trở lớn đối với ngành chức năng.
Theo Ban ATGT TP Cần Thơ, TNGT vẫn đang rình rập, xảy ra bất cứ nơi nào từ thành phố đến vùng nông thôn gây nhiều hậu quả thương tâm, một người bị TNGT có thể bị tử vong hoặc tàn tật kéo theo đó là sự tan nát của một gia đình.
Điển hình như năm 2011, TNGT đã làm chết 11.395 người, làm hơn 48.700 người bị thương tật trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội. Nước ta phải bỏ ra khoảng 40.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thảm khốc do TNGT.
|
Dán logo “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở trên các phương tiện vận tải hành khách tại bến xe Ô Môn. |
Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP Cần Thơ chô biết: Để kéo giảm TNGT cần triển khai nhiều giải pháp thiết thực, trong đó tập trung nâng cao ý thức con người. Bởi trên thực tế, vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông vi phạm ở các lỗi phổ biến như: tình trạng đã sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; quá tốc độ quy định, đi không đúng làn đường… Đây được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm TNGT tăng cao trong thời gian qua.
Trước những hậu quả thảm khốc do TNGT, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP kêu gọi toàn thể quần chúng nhân dân tích cực tìm hiểu, nắm vững kiến thức và tự giác chấp hành đảm bảo trật tự ATGT, đơn giản thông qua hành động cụ thể, để trở thành một tấm gương sáng, tham gia giao thông có văn hóa. Đồng thời, mong muốn mỗi người dân sẽ trở thành “Một tuyên truyền viên tích cực” nhằm tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng để tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự ATGT.