Góp ý

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng còi xe 

 

Trên các tuyến đường nội ô quận Ninh Kiều vào giờ cao điểm, người lưu thông rất đông. Chúng tôi nhiều lần chứng kiến, bên cạnh nhiều người chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, vẫn còn một số thanh niên điều khiển phương tiện vừa rú ga, nẹt pô, vừa bấm còi xe inh ỏi, rồi lạng lách…, bất chấp sự khó chịu của những người cùng lưu thông cũng như nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Khi dừng xe chờ đèn đỏ tại các giao lộ, một số người điều khiển xe gắn máy, xe tải, taxi cùng chờ phía sau vẫn cố tình liên tục bấm còi dù đèn tín hiệu giao thông chưa chuyển sang đèn xanh. Ở các giao lộ lớn, một số người điều khiển phương tiện muốn rẽ phải nhưng vướng các xe dừng đỗ sát lề, lập tức bấm còi xe liên tục, rồi “vô tư” chạy xe lên lề đường để rẽ. Các xe khác được dịp “ăn theo”, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông.

 

Mọi người phải nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông trên đường.

Trong thực tế, xuất hiện rất nhiều âm thanh còi xe “vô tội vạ”, nhất là vào thời gian cao điểm, tại các khu vực xảy ra ùn tắc giao thông, lúc đỗ xe chờ tín hiệu đèn giao thông hay ở các khu dân cư. Tiếng còi xe còn là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ trung niên điều khiển xe đạp, xe gắn máy. Ðã không ít trường hợp người điều khiển xe loạng choạng tay lái, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc vì giật mình do tiếng còi xe quá lớn. Chị Nguyễn Thị Bé Hai, ở quận Ninh Kiều, giúp việc nhà theo giờ nên hằng ngày thường xuyên di chuyển bằng xe máy từ nhà này sang nhà khác. Lần nào lưu thông qua các tuyến đường: Quang Trung, Mậu Thân, 3 Tháng 2, Nguyễn Văn Linh…, chị luôn trong trạng thái bất an khi nghe tiếng còi xe tải lớn quá mức cần thiết. Không ít lần, vừa nghe tiếng còi xe, chị và một vài người khác cùng lưu thông giật mình chạy xe lên lề đường. Phải mất ít phút sau chị mới thật sự bình tĩnh để tiếp tục điều khiển xe.  

Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô thực hiện các hành vi vi phạm, trong đó, có hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định.

Sử dụng còi xe cũng là một trong những biểu hiện của văn hóa giao thông. Ngành chức năng cần có chế tài đủ sức răn đe những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, buộc người tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm chỉnh, chấm dứt tình trạng lạm dụng còi xe.

Bài, ảnh: MAI THY

Nguồn: Báo Cần Thơ


Bài viết liên quan

07/10/24
Truyền thông “Gia đình có trách nhiệm trong thực hiện an toàn giao thông” cho hội viên, phụ nữ tại Cần Thơ

rung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam vừa phối hợp Hội Liên hiệp Phụ ...

16/11/23
Cần Thơ: Hưởng ứng Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT

Tác giả: Ngọc Phạm 22:24 15/11/2023 kinhtedothi.vn Kinhtedothi - Ngày 15/11, Ban An ...

27/10/23
Trẻ mẫu giáo Cần Thơ hào hứng trải nghiệm kỹ năng An toàn giao thông

Trẻ mẫu giáo Cần Thơ hào hứng trải nghiệm kỹ năng An toàn giao ...

17/09/21
Cần Thơ: Ông lão tật nguyền vá đường và ông lão hút đinh được Bộ trưởng GTVT khen

Hai ông lão đất Tây Đô không hề quen biết nhau, nhưng với tấm lòng thiện ...

31/08/21
Vĩnh Thạnh: Đoàn viên xã Thạnh Tiến tham gia đảm bảo an toàn giao thông 

Từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Chấp hành (BCH) Xã đoàn Thạnh Tiến, huyện Vĩnh ...

Thiết kế web giá rẻ