Góp ý

Đảm bảo an toàn cho học sinh khi lưu thông bằng xe đạp điện

Chị Linh Vân, hàng xóm của tôi mua cho con gái học lớp 10 chiếc xe đạp điện để thuận tiện cho bé đến trường, linh hoạt hơn với lịch học khá dày và phải di chuyển liên tục. Theo chị Vân, cho con đi xe đạp điện cũng để con rèn tính tự lập, sắp xếp thời gian biểu cho bản thân. Con gái chị từng bước làm quen các tuyến giao thông nội ô, cách nhận biết các tín hiệu đèn giao thông, bảng hiệu hướng dẫn giao thông đúng luật. Qua đó, hình thành ý thức chấp hành nghiêm các quy định Luật Giao thông đường bộ. Tranh thủ thời gian hè, mỗi sáng, chị cùng con gái điều khiển xe để quen các tuyến đường, nhắc nhở con chạy xe đúng làn đường, tốc độ vừa phải, không phóng nhanh, vượt ẩu, chú ý cẩn thận nhìn trước, ngó sau khi băng ngang đường… Hằng ngày, trước khi con dắt xe ra cổng, chị Vân luôn nhắc nhở việc đội nón bảo hiểm và chạy xe chậm. Dặn dò như thế nhưng chị Vân vẫn lo lắng không yên, chỉ cần con gái lơ là, gấp gáp hay ngẫu hứng phóng nhanh vượt ẩu thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Mới đây, trên đường đi học về, con gái chị chứng kiến tai nạn giao thông xảy ra giữa người đi xe gắn máy và người đi xe đạp điện. Do người đi xe đạp điện không đội nón bảo hiểm nên khi té ngã, đầu va xuống đường, bất tỉnh, người đi đường nhanh chóng đưa đi cấp cứu. Từ đó, con gái chị Vân luôn ghi nhớ đội nón bảo hiểm, chạy đúng tốc độ, làn đường khi tham gia giao thông…

 

 

Người điều khiển phương tiện trên đường cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ.

Theo quy định tại điểm d, đ khoản 4 Điều 8 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; Chở người ngồi trên xe đạp máy không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật, thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Trên thực tế, quy định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm rất cụ thể, rõ ràng nhưng người đi đường thường thấy tình trạng người ngồi trên xe đạp điện phóng nhanh vượt ẩu, bất chấp tín hiệu đèn tại các chốt giao thông, lạng lách, sai làn đường, còn không đội nón bảo hiểm…, rất dễ dẫn đến tai nạn, ảnh hưởng an toàn bản thân và người cùng lưu thông. Thiết nghĩ, bên cạnh trách nhiệm ngành chức năng, nhà trường cũng cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở học sinh; phụ huynh phải thường xuyên giáo dục, kiểm tra con em trong việc chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ khi lưu thông bằng xe đạp điện, không để xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Nguồn: Báo Cần Thơ


Bài viết liên quan

07/10/24
Cần Thơ: Tuyên truyền hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho sinh viên Đại học

Sáng 28/9, Ban An toàn giao thông TP Cần Thơ và Trường Đại học Kỹ thuật - Công ...

07/10/24
TP Cần Thơ: Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm giao thông dịp lễ Quốc khánh 2-9

Ngày 27-8, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP Cần Thơ đã ban hành Công văn về bảo ...

27/10/23
Phổ biến kỹ năng sơ cấp cứu, hướng dẫn lái xe an toàn cho sinh viên Cần Thơ

Tác giả: Nguyễn Việt (Báo Giao thông) Hàng trăm sinh viên Trường đại học Nam ...

17/10/23
Cần Thơ tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông trong học đường

Tác giả: Trường Tiến (giaoducthoidai.vn) Ban ATGT thành ...

Thiết kế web giá rẻ