Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, thời điểm trước năm 1995, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX).
Đến năm 1995, Chính phủ ban hành Nghị định 36/1995 về đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường bộ và trật tự ATGT đô thị, quy định chuyển toàn bộ việc quản lý đào tạo, sách hạch cấp GPLX sang Bộ GTVT.
Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sở dĩ Chính phủ, Quốc hội quyết định chuyển một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa (trong đó có công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX) sang các Bộ không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quản lý là để 2 Bộ này tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Đến năm 2001, sau khi Luật Giao thông đường bộ ra đời, công tác này vẫn do Bộ GTVT quản lý. Quy định này tiếp tục được bảo lưu tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, năm 1995, khi nhận nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, Bộ GTVT đã tiếp nhận 127 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhiều cơ sở còn thiếu phòng học, xưởng trường; bãi tập lái xe chủ yếu nền đất bố trí các cọc chuẩn xếp hình tập lái, trang thiết bị kỹ thuật và xe tập lái còn thiếu, không đủ chủng loại, chất lượng thấp; mô hình, sa bàn dạy học còn lạc hậu.
25 năm qua, công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX có nhiều thay đổi từ quy trình quản lý, chương trình học đến hạ tầng cơ sở vật chất.
Thay vì nhà nước đầu tư, quản lý, nhờ thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, hệ thống cơ sở đào tạo lái xe đã tăng cả về số lượng và chất lượng, không ngừng hoàn thiện về tiêu chuẩn ngày một nâng cao. Chương trình, giáo trình đào tạo lái xe đã được nghiên cứu, tiếp thu từ chương trình, giáo trình của các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật bản và Singapore.
Đến nay cả nước đã có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ô tô (tăng trưởng 627% về số lượng cơ sở đào tạo) thuộc các bộ, ngành và địa phương. Điều này đã giúp người dân thuận tiện, dễ dàng hơn để tiếp cận học lấy GPLX, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân.
Những thay đổi cơ bản trong sát hạch, đào tạo cấp GPLX là hiện nay là việc tất cả các khâu sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình, lái xe trên đường đều được chấm điểm tự động.
Để nâng cao tính công khai, minh bạch, chống các biểu hiện tiêu cực, từ ngày 20/10/2019, Bộ GTVT đã chỉ đạo hoàn thành việc lắp đặt camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình và kết nối trực tuyến, truyền dữ liệu hình ảnh về các cơ quan liên quan để giám sát trực tiếp công tác sát hạch.
Thời gian qua, ngành GTVT đã không ngừng đổi mới công tác quản lý và tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nội dung chương trình, giáo trình đào tạo; nội dung, quy trình và hệ thống trang thiết bị sát hạch được Tư vấn A1.1 (tổ chức tư vấn Quốc tế đánh giá dự án tăng cường năng lực và hỗ trợ thực hiện Dự án an toàn giao thông đường bộ) do Ngân hàng thế giới tài trợ và tổ chức đường bộ Vicroad của Australia do Tổ chức Y tế thế giới WHO hỗ trợ thực hiện khảo sát độc lập và đánh giá là chặt chẽ và hiện đại so với Australia và một số nước phát triển.
Đến nay, GPLX của Việt Nam đã được 70 nước thừa nhận. Việc cấp đổi GPLX được thực hiện dịch vụ công cấp độ 4.
Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, cùng với thực tiễn công tác quản lý, sự chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 12/2019, Bộ GTVT xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008 với mục tiêu giải quyết những bất cập trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Cùng thời điểm này, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ với nhiều quy định liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX, vốn đang được điều chỉnh tại Luật Giao thông đường bộ.
Cụ thể, từ Điều 50 đến Điều 57 Dự thảo Luật này, Bộ Công an đề xuất nhiều nội dung cơ bản như: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe, sát hạch lái xe; cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi GPLX; điểm của GPLX, trên cơ sở xác định quản lý người lái xe là quản lý hành vi của con người, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ, các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Ngày 31/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 123/2020 về chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020.
Về phạm vi điều chỉnh Luật đảm bảo trật tự ATGT, Chính phủ thảo luận và thống nhất: dự án Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ quy định các vấn đề về quy tắc giao thông; đào tạo, sát hạch và cấp GPLX; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới; tổ chức ATGT và chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông; các biện pháp thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm về an toàn giao thông đường bộ.
Bộ Công an sẽ đưa ra các giải pháp để thực hiện đề xuất trên như tăng cường xã hội hóa công tác đào tạo lái xe; nâng cao chất lượng chương trình, nội dung đào tạo; giám sát chặt chẽ và ứng dụng công nghệ để hạn chế sự can thiệp của con người vào việc sát hạch.
Dự thảo sẽ bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Còn 11 hạng: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE
Theo tờ trình mới nhất Chính phủ trình Quốc hội, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, ATGT đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.
Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người. “Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án”, nội dung tờ trình nêu.
Cũng theo tờ trình, dự án Luật bảo đảm trật tự ATGT đường bộ còn có những nội dung mới khác như sẽ quy định 1 hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg.
Trong luật này sẽ bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Theo đó, GPLX còn 11 hạng gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.
Đáng chú ý, Chính phủ đồng ý với đề xuất quy định về điểm của giấy phép lái xe. Theo đó, bằng lái sẽ được cấp 12 điểm trong 12 tháng; nếu bị trừ hết điểm trong thời hạn 6 tháng, tài xế có nhu cầu cấp lại thì phải sát hạch lại. Nếu bằng lái còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.
Hiện Bộ GTVT có 600 cán bộ công chức quản lý, 1.700 công chức, viên chức là sát hạch viên sát hạch lái xe
Đây là câu hỏi được nhiều chuyên gia đặt ra trong trường hợp công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX được chuyển ngược lại về Bộ Công an quản lý.
Thống kê cho thấy, hiện đội ngũ cán bộ công chức được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý và vận hành hệ thống, trang thiết bị, phần mềm, thiết bị điện tử, tin học, truyền thông gồm hơn 2.000 cán bộ công chức.
Trong số này có 600 cán bộ công chức quản lý, 1.700 công chức, viên chức là sát hạch viên sát hạch lái xe (10% cán bộ có trình độ trên đại học, 70% có trình độ đại học chuyên ngành kỹ thuật).
Trao đổi với Báo Giao thông, một chuyên gia giao thông cho biết, nếu có việc chuyển giao nhiệm vụ này, cần đánh giá tác động về toàn bộ hệ thống quản lý nhà nước về sát hạch cấp GPLX sẽ được xử lý như thế nào trước khi đưa ra Quốc hội quyết định.
TS Phan Lê Bình, giảng viên Trường Đại học Việt - Nhật đặt ra hàng loạt câu hỏi: nếu chuyển giao nhiệm vụ về Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thì cơ sở vật chất và con người ngành GTVT quản lý mấy chục năm nay sẽ như thế nào? Khi chuyển đổi có tốn thời gian, công sức tiền bạc hay không? Việc chuyển đổi có giúp thay đổi những tồn tại trong công tác đào tạo, cấp GPLX hiện nay? Và bộ máy thực hiện công tác này của Bộ công an thế nào, ngân sách có phải đầu tư hay không?