Xe chở hàng hóa cồng kềnh, lưu thông trên quốc lộ 91, đoạn thuộc phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn. |
Trên một số tuyến đường ở TP Cần Thơ, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe tự chế, mô tô... chở hàng hóa cồng kềnh khi tham gia giao thông. Những hành vi này, không chỉ là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của người tham gia giao thông. Bà Trần Thị Hằng, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, kể: “Mới đây, khi di chuyển trên tuyến quốc lộ 91, đoạn thuộc phường Phước Thới, tôi bị một người chạy mô tô điều khiển xe một tay, tay còn lại giữ ống nước bằng nhựa dài, gạt ngã xuống đường. May mắn, tôi chỉ bị xây xát nhẹ”.
Rất nhiều người tham gia giao thông khác cũng từng gặp trường hợp tương tự. Anh Nguyễn Văn Thọ, hành nghề xe honda chở khách ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: “Khi tham gia giao thông trên đường, tôi gặp rất nhiều mô tô, xe ba gác... chở hàng hóa cồng kềnh. Những chiếc xe chở hàng quá khổ này rất dễ bị mất lái, khó có thể xử lý kịp trước những tình huống phát sinh trên đường”.
Việc chở hàng cồng kềnh, quá tải, quá khổ sẽ bị xử phạt theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Cụ thể, theo Điều 9, Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT có quy định: Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3m; không vượt quá phía sau giá đèo là 0,5m; chiều cao xếp hàng tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5m. Nếu người điều khiển xe máy chở hàng có kích thước lớn hơn kích thước cho phép sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt cụ thể như sau: Phạt tiền 400.000-600.000 đồng đối với người đang điều khiển xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; chở người đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác. Trong trường hợp gây tai nạn giao thông, người điều khiển phương tiện còn bị tước giấy phép lái xe 3-5 tháng... Ngoài việc bị xử phạt, nếu người ngồi trên phương tiện giao thông chở cồng kềnh, gây thương tích cho người khác thì tùy theo mức độ thương tích, có thể bị xem xét hành vi truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong nhiều trường hợp, việc chở hàng cồng kềnh xuất phát từ nhu cầu mưu sinh; tuy nhiên, không thể lấy lý do đó mà bất chấp tính mạng, sức khỏe của chính mình và người tham gia giao thông. Thiết nghĩ, ngành chức năng cần phạt nghiêm những trường hợp vi phạm chở hàng cồng kềnh để hiểm nguy không còn rình rập trên các cung đường.
Bài, ảnh: CHẤN HƯNG (Báo Cần Thơ)